Khởi công xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương

Sáng 29/6, tỉnh Bình Dương chính thức làm lễ động thổ xây dựng công trình đầu tiên của dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là dự án giao thông kết nối vùng quan trọng đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố.

Lẽ động thổ xây dựng đường vành đai 3 TP. HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương

 

Công trình đầu tiên của dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương là nút giao Bình Chuẩn (giao Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh với đường Mỹ Phước – Tân Vạn, thuộc thành phố Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một).

Nút giao Bình Chuẩn trên đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh tại Bình Dương có chiều dài 1,3 km, bao gồm phần đường cao tốc, cầu, hầm chui… Nút giao Bình Chuẩn có dự toán xây dựng hơn 571 tỷ đồng, do hai nhà thầu thi công là liên doanh Công ty cổ phần Đại Thiên Trường và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Thái Sơn. Đây là nút giao thông quan trọng, có nhiều xe tải, xe container qua lại. Ngoài cầu vượt, nút giao Bình Chuẩn sẽ được đầu tư cả hầm chui và đường song hành để tránh ùn tắc và tai nạn giao thông.

Ba gói thầu còn lại của đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Dương cũng sẽ được gấp rút giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các thủ tục để thi công trong thời gian tới: cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn (nối Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh) dài 1,3 km; nút giao Tân Vạn (giao xa lộ Hà Nội và vành đai 3) dài hơn 2,3 km và đoạn đường từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn dài hơn 6,2km.

Phối cảnh nút giao Bình Chuẩn thuộc Vành đai 3 tại TP Thuận An

Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6 km, điểm đầu tuyến là nút giao Tân Vạn, điểm cuối tuyến tại cầu Bình Gởi. Quy mô đầu tư 8 làn xe với tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng; trong đó, dự án thành phần 5 (xây lắp) là 5.752 tỷ đồng, dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) là 13.528 tỷ đồng.

Dự kiến, đoạn qua tỉnh Bình Dương sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Điều này mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics… Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển Vùng trọng điểm phía Nam.

nguồn: baotintuc.vn